Thứ Hai, 18 tháng 3, 2019

Tập tành chụp ảnh: Vài thành phần của máy ảnh

Mình xin phép chỉ nói về vài thành phần của máy ảnh trong bài viết này.
Bài này nên là bài viết số 1 nằm trong sê-ri 3 bài Tập tành chụp ảnh.



THÂN MÁY (BODY)
Thân máy to/nhỏ sẽ ảnh hưởng và phù hợp riêng với từng người có tay to/nhỏ.
Nó sẽ ảnh hưởng đến thiết kế, cách bố trí nút. Vậy nên tùy cảm nhận của mỗi người cũng như review về cách thiết kế trên từng dòng máy của mỗi hãng mà lựa chọn máy cho phù hợp.
Có sự khác biệt về kích thước body giữa DSLR và Mirroless, Mirroless thường sẽ có kích thước nhỏ hơn, nhẹ hơn, đỡ chảy mồ hôi hơn haha.

ỐNG KÍNH (LENS)



Đây có lẽ là phần biến động nhiều với người chơi chụp ảnh, một số người đi trước thì nhắn nhủ rằng đầu tư một body vừa tầm giá thôi, còn lại thì chơi lens, đổi lens để chiêm nghiệm hay target vào một phong cách chụp nào đó. Và các ảnh còn nhắn là lens thì bán không sợ mất giá lắm, vì có thể tới cả chục năm thì nhà sản xuất mới đưa ra một dòng lens mới, các dòng lens từ đời Tống vẫn có thể xài tốt và bán được.

Tuy nhiên, có một nỗi khổ đó là khâu bảo quản: body và len, đầu tư tủ chuyên dụng hay có các biện pháp cần thiết để tránh ẩm mốc chứ không là đi luôn cả dàn ấy.

Điều đầu tiên, phân biệt giữa ống kính phóng (zoom lens) và ống kính thông thường (prime lens).
Ống kính phóng, cho phép chủ động phóng ra hoặc phóng vào, thường sẽ mắc hơn, nặng và to hơn.

Thứ hai, các loại ống kính góc rộng (wide-angle), tiêu chuẩn (standard), vừa (medium), viễn (telephoto) và siêu viễn (ultra telephoto).
Các thuật ngữ này được đặt dựa vào độ dài tiêu cự của ống kính. Độ dài tiêu cự được tính theo mm, có thể xem nó như là mức độ phóng đại của hình. Giá trị nhỏ thì sẽ như phóng to ra, còn giá trị lớn thì như phóng và thu về (far-in) trong khung hình.

Ống kính góc rộng
Là ống kính có độ dài tiêu cự lên tới 35mm. Ống kính càng to (độ dài tiêu cự càng nhỏ) thì càng thu được (thấy) nhiều góc ảnh hơn.
Ống kính mắt cá (fisheye) có độ dài tiêu cự từ 8 - 10mm.
Loại thông thường thì từ 14 - 28mm.
Cho phép thu được nhiều thứ (vì góc rộng) vào trong một khung hình.

Ống kính tiêu chuẩn
Từ 35 - 50mm, đây cũng là khoảng tiêu cự tương đương với mắt người bình thường.
Trong khi ống góc rộng thường bẻ không gian và hút góc về, tạo hiệu ứng độ sâu. Ống siêu viễn thì sẽ làm phẳng không gian ra. Còn ống tiêu chuẩn sẽ nằm ở giữa, tạo ra những bức hình chân thực.
Thường thì ống 50mm sẽ có mức giá rẻ nhất.

Ống kính vừa
Độ dài tiêu cự từ 60 - 100mm.
Có thể chỉ muốn dùng loại này khi thực sự hiểu rõ và muốn so với ống kính tiêu chuẩn. (Vd loại 60mm và 85mm để chụp ảnh chân dung).
Các loại ống kính phóng có thể phóng từ 28 - 70mm có thể thay thế cho loại ống kính vừa này.

Ống kính viễn
Là khi ta muốn phóng ra thật xa, độ dài tiêu cự > 100mm. Loại siêu viễn là > 400mm.
Loại này cho phép phóng ra tới các vật thể ở xa khi chúng ta không thể lại gần chúng.
Kích thước nặng, dễ gây mờ chuyển động (motion blur), hoạt động không tốt khi thiếu sáng.
Loại này giá không được ổn áp cho lắm :p.

CẢM BIẾN VÀ CPU
Cảm biến là thành phần chịu trách nhiệm ghi lại việc phơi sáng thông qua ống kính, cuối cùng là tạo ra ảnh.
Kích thước cảm biến, cách thức sản xuất sẽ ảnh hưởng đến ảnh đầu ra.

Về kích thước, các loại máy ảnh chụp nhanh (kĩ thuật số, nhắm và chụp/point-and-shoot) sẽ có cảm biến nhỏ.
Tới các loại có thể đổi ống kính được, như DSLR, MILC/CSC/EVIL (mirrorless) thì kích thước cảm biến sẽ có ảnh hưởng khác biệt.
Thông thường thì kích thước lớn sẽ cho phép chụp ảnh thiếu sáng tốt hơn, kiểm soát được độ sâu trường ảnh, ảnh có độ phân giải cao và ít nhiễu hơn so với cảm biến nhỏ.



Đa số các dòng DSLR sẽ có kích thước APS-C. Cảm biến APS-C là tầm khoảng một nửa khung phim 35mm (half-frame) và sẽ nhân kích thước ống kính lên theo hệ số 1.6x.
Nghĩa là khi dùng ống kính 35mm trên DSLR có cảm biến APS-C thì tương đương với ống kính 56mm (35mm x 1.6) trên camera có có khung 35mm thông thường.
Việc nhân hệ số này có thể sẽ hữu ích khi dùng ống kính viễn (vì nó được phóng lên thêm) nhưng không vui lắm với các loại ống kính góc rộng (vì ta đang muốn ống kính góc rộng có độ dài tiêu cự nhỏ mà lại bị nhân lên 1.6 thì sẽ khác biệt so với quảng cáo rồi).
Bởi vậy mới có khái niệm máy DSLR full-frame, lúc này kích thước của ống kính sẽ hầu như không đổi trên khung phim 35mm. Và cái giá của dòng full-frame thì cũng không hề dễ chịu.

Bên cạnh việc chụp các ảnh mẫu để đánh giá chất lượng ảnh nhờ vào các thiết kế cảm biến khác nhau, ta cũng cần quan tâm đến chỉ số megapixel của cảm biến.
Nhìn chung, megapixel càng cao thì độ nhiễu càng cao. Đó là lí do mà ta không cần thiết chọn camera có megapixel cao - đặc biệt là khi dùng trên máy ảnh có cảm biến nhỏ.
Thông thường, một chiếc máy ảnh tầm 6.3 megapixel cũng đủ, hoặc 8 - 10. Mấu chốt là đừng mua máy ảnh chỉ vì megapixel của nó cao. Nó có thể gây nhiễu hình nhiều hơn, thay vào đó hãy test thật kĩ, kiểm tra kích thước, thiết kế cảm biến cũng như các yếu tố khác.

THẺ NHỚ
Máy ảnh bây giờ thường dùng một trong 2 loại thẻ: SD và CompactFlash.
Đối với việc chụp ảnh thông thường thì thẻ SD Class 6 hoặc CompactFlash 133x là đủ.
Khi có nhu cầu quay video thì đòi hỏi tốc độ truy xuất thẻ cao hơn, sẽ là SD Class 10 hoặc CompactFlash 233x.



Đây là bài viết #1 nằm trong sê-ri Tập tành chụp ảnh.
Dịch và rút gọn từ bài viết gốc:  https://lifehacker.com/basics-of-photography-taking-better-photos-by-understa-5813504 theo nghiaht.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét